Bùng nổ tranh chấp trong mua bán nhà đất
Thị trường trầm lắng cũng là lúc quyền lợi người bán và người mua đảo chiều, khách hàng đã biết đứng lên bảo vệ mình thay vì âm thầm chịu trận khiến hàng loạt thương vụ bất thành trong giới địa ốc bị đưa ra công luận.
Mới đây nhất là vụ lùm xum quanh dự án làng Việt Kiều châu Âu (thuộc Khu đô thị Mỗ Lao, phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội). Hơn 100 khách hàng đã gửi đơn tố cáo chủ đầu tư là Công ty TSQ Việt Nam với Cục thuế Thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước về việc chủ đầu tư ép khách hàng.
Chị Tô Thanh Hoa (một khách hàng) cho hay, chị mua một căn hộ ở làng Việt Kiều châu Âu rộng khoảng 70 m2 từ năm 2008, giá 950 USD mỗi m2 với mức quy đổi tại thời điểm đó là 17.816 đồng. Nay tỷ giá đã lên tới hơn 20.000 đồng mỗi đôla nên khách hàng phải chịu thiệt đơn thiệt kép. Thêm vào đó, trong trường hợp trả chậm tiến độ, khách hàng sẽ phải nộp tiền phạt với lãi suất lên tới 24% trong khi quy định của hợp đồng khoản quá hạn tính theo lãi suất cao nhất của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm thanh toán.
"Thực tế, mức lãi suất cho vay cao nhất của Ngân hàng Ngoại thương trong quý 2 chỉ lên tới 22%. Công ty TSQ không phải là một tổ chức tín dụng nên không thể áp lãi suất cao tới 24%", chị Hoa chia sẻ.
Phúc đáp khách hàng, ông Đỗ Quân, Phó tổng giám đốc Công ty TSQ cho hay, các nguyên vật liệu như cáp dự ứng lực, sắt thép, cửa thang máy, thậm chí cả thiết kế đều do chủ đầu tư nhập khẩu từ nước ngoài hoặc mua của các nhà phân phối nhập khẩu. Ngoài ra, các mặt hàng trong nước như gạch, xi măng, nhân công cũng đã trượt giá 15-20%. Do đó việc dùng tỷ giá để chống rủi ro có lợi cho cả khách hàng và chủ đầu tư.
Giải thích về khoản lãi suất 24%, ông Quân cho hay, để giảm áp lực tài chính cho khách hàng, công ty đã giãn tiến độ đóng tiền và đi vay ngân hàng với lãi suất 22-24% mỗi năm. "Do đó, tiền phạt nộp chậm là công ty đã tính mức lãi công đi vay cho khách hàng", ông Quân khẳng định.
thay vì góp vốn bằng hợp đồng hứa mua hứa bán, khách hàng nên áp dụng hình thức ký quỹ thông qua ngân hàng. Ảnh: Hoàng Lan. |
Bất đồng giữa chủ đầu tư làng Việt Kiều châu Âu và khách hàng không phải là trường hợp duy nhất. Mới đây, hàng loạt các thương vụ làm ăn địa ốc bất thành cũng được phanh phui. Đầu tháng 7, Công an Hà Nội đã khởi tố ông Nguyễn Sỹ Quyết, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kinh Đô về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn thành lập công ty có chức năng môi giới bất động sản, ông Quyết đã lừa đảo chiếm đoạt 63 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Mới đây, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Galaxy BSG Việt Nam Nguyễn Hữu Trọng lại bị khách hàng tố cáo đã vẽ quy hoạch ảo để lừa 30 tỷ đồng. Ông Trọng đã dùng giấy tờ giả mạo chứng minh quyền sở hữu hơn 5.000 m2 đất tại Nam Trung Yên để thực hiện dự án đầu tư xây dựng chất lượng cao.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, kinh doanh bất động sản mang lại những lợi nhuận khổng lồ nên câu chuyện vẽ quy hoạch, bắt chẹt khách hàng nhiều như cơm bữa. Thực tế, người dân chưa có thói quen đến các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, hoặc thuê luật sư nhờ tư vấn trước khi mua sản phẩm nhà ở.
Ngoài ra, bản thân luật pháp có nhiều khuyết thiếu dẫn đến nhiều vụ tranh chấp diễn ra. Nghị định 71, Thông tư 16 cho phép việc ứng tiền trước khi mua bất động sản, người bán được huy động vốn, góp vốn dưới hình thức đặt cọc, vay vốn... Thực tế, các hợp đồng này luôn do chủ đầu tư soạn thảo theo hướng có lợi cho người bán còn người mua góp tiền thật lại chịu nhiều thiệt thòi.
"Chỉ cần vẽ ra vài hồ bơi, cây cảnh, trường học, siêu thị là qua mắt được nhà đầu tư và người mua sẵn sàng mang tiền tươi thóc thật đến góp vốn mà không có điều khoản bảo vệ quyền lợi cho mình", ông Liêm nêu lên một thực tế.
Giám đốc nghiệp vụ bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam Trần Như Trung cho rằng việc bùng nổ các vụ khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai khi thị trường trầm lắng cho thấy kẻ mua người bán đang đổi vai. Nếu như trước đây, thị trường thuộc về người bán, khách hàng phải mua qua môi giới, xếp hàng dài thậm chí chật vật mới mua được một căn hộ thì nay tình hình đã thay đổi. Thị trường ngày nay đã thuộc về người mua, họ biết tận dụng quyền lợi của mình hơn và sẵn sàng đứng lên bảo vệ mình thay vì chịu trận như trước.
Ông Tống Văn Nga Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đề xuất, để tránh những mâu thuẫn không đáng có, cơ quan Nhà nước cần phải có hướng dẫn hợp đồng mẫu để vừa bảo vệ người đầu tư, vừa bảo vệ cho người mua. "Người mua phải biết tự bảo vệ mình thông qua những tổ chức môi giới, văn phòng luật sư uy tín vì thực tế hiện nay, người mua dù có nhiều lợi thế những vẫn bị ép sân", ông Nga cho hay.
Còn theo lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thay vì góp vốn bằng hợp đồng hứa mua hứa bán, khách hàng nên áp dụng hình thức ký quỹ thông qua ngân hàng. “Tài khoản người mua đóng góp sẽ được phong tỏa, ngân hàng sẽ cho bên bán vay tiền nếu bên bán chậm triển khai dự án sẽ phải trả lãi suất”, ông Liêm khuyên.
Hoàng Lan
Các bài viết khác
- Chiến lược đại dương của Trung Quốc (05.08.2011)
- Người dân Hà Nội đổ xô mua vàng giá cao (05.08.2011)
- Tiền polymer 50.000 đồng bị làm giả nhiều nhất (05.08.2011)
- Sức ép giảm giá hàng nhập (05.08.2011)
- Áp lực điểm sàn (05.08.2011)